Bậc làm Cha Mẹ chắc chắn không khỏi đau đầu về việc đến một độ tuổi, trẻ không còn nghe lời Cha Mẹ răm rắp, mà sẽ dần thay đổi và đến 1 độ tuổi thì Cha Mẹ nói 1 đằng – con làm 1 nẻo. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện hành vi của con trẻ: nguyên nhân khách quan cũng có, chủ quan cũng có. Hãy cùng điểm xem chúng ta đang có mấy nguyên nhân trong số những nguyên nhân khách quan mà VietFuture sưu tầm được dưới đây:
Cha mẹ nói dối trước mặt con
Cha mẹ thường dạy con phải trung thực, không được nói dối thế nhưng trong vài trường hợp trước mặt trẻ, cha mẹ lại nói dối. Điều này khiến những đứa trẻ nảy sinh một tâm lý không phục lời dạy của cha mẹ, nhất là với nhóm trẻ đã có nhận thức (5-9 tuổi).
Bắt con ngủ riêng nhưng cha mẹ lại ngủ chung
Nhiều cha mẹ cho rằng việc cho con ngủ riêng sẽ khiến con tự lập hơn, tuy nhiên, thực tế cha mẹ vẫn ngủ chung nhưng lại muốn con mình ngủ riêng. Tâm lý đứa trẻ sẽ cảm thấy bị hắt hủi, ra rìa. Nếu vẫn muốn cho trẻ ngủ riêng, cha mẹ nên nằm cạnh trẻ cho đến khi trẻ thiếp đi; hoặc tốt nhất nên rèn luyện cho trẻ thói quen ngủ riêng ngay từ những năm đầu đời.
Không được dùng điện thoại nhưng bố mẹ lại dùng thường xuyên
Không ít cha mẹ cấm con không được dùng điện thoại nhưng chính bản thân lại làm gương xấu cho con khi cả ngày cầm điện thoại. Dù bao biện cách nào thì việc bạn nói một đằng lại làm một nẻo sẽ khiến trẻ không phục.
Ép con ăn, mặc thứ mình thích
Tự mình được lựa đồ, ăn các món mình thích nhưng lại ép con làm theo ý mình, dù tâm lý của cha mẹ là mong muốn sự an toàn nhất cho con, tuy nhiên, chúng ta cũng cần lắng nghe quan điểm và tôn trọng ý kiến của con.
Cha mẹ tranh cãi trước mặt con nhưng lại bắt con nín khóc, không được tức giận
Trẻ em khó nhận biết và quản lý cảm xúc của mình. Vì vậy, bố mẹ cần giúp con điều hướng. Tuy nhiên, bỏ qua cảm xúc của con hoặc trừng phạt sẽ không mang lại kết quả mong đợi.
Ép con không ngừng cố gắng
Việc thúc giục, tạo động lực cho con ‘bằng bạn bằng bè” thậm chí phải giỏi hơn “con nhà người ta” khiến cha mẹ liên tục ép con và những khuôn khổ mà mình nhào nặn, thậm chí những hình mẫu mà khi còn nhỏ cha mẹ mong muốn trở thành nhưng thất bại. Điều này càng khiến con thêm áp lực và căng thẳng khi phải làm theo ý cha mẹ mà không dám chắc điều đó có phải là điều mình muốn hay không.
Posted in Kinh nghiệm dạy con