Gia sư Thanh Hóa*0814.369.567-0968.678.234

Hỗ trợ Online

HỖ TRỢ PHỤ HUYNH

0814.369.567

HỖ TRỢ GIA SƯ

0968.678.234

Thống kê truy cập

0481648

Biện pháp chống quên từ Tiếng Anh ở học sinh Tiểu học

Quên từ mới là một căn bệnh phổ biến ở học sinh tiểu học. Nhiều học sinh phàn nàn rằng mặc dù đã nhắc đi nhắc lại một từ mới nào đó rất nhiều lần, thậm chí khi các em  cảm thấy đã nhớ được từ mới ấy nhưng lên lớp, nó lại biến đi đâu mất. Một số nhà nghiên cứu cho rằng căn nguyên của việc quên thông tin là do chúng ta không sử dụng thông tin được lưu trong trí nhớ thường xuyên và dần dần chúng biến mất khỏi bộ nhớ. Vì vậy giáo viên cần vận dụng hiểu biết về cách thức lưu giữ thông tin của não bộ để nâng cao chất lượng học từ vựng của học sinh.

1. Làm cho bài học dễ ghi nhớ

Có rất nhiều cách để làm cho bài giảng dễ dàng đi vào bộ nhớ của học sinh như dùng tranh ảnh; lồng từ mới vào những ngữ cảnh sử dụng thực tế, thú vị; kể những câu chuyện tiếng Anh có những từ mà học sinh cần học. Bên cạnh đó, giáo viên  có thể tạo điều kiện để học sinh có thể sử dụng những từ mới học ấy theo cách riêng của từng em để hoàn thành những nhiệm vụ học tập thực sự hữu ích cho các em trong cuộc sống.

2. Tạo điều kiện để học sinh được thường xuyên sử dụng những từ đã học

Chìa khoá để dạy học thành công là lặp lại theo những cách thức khác nhau, sử dụng các kỹ năng khác nhau. Nhằm giúp học sinh nhớ ngay được các từ vựng hay cấu trúc, chúng ta có thể sử dụng cách lặp lại đơn giản bằng trò chơi vui nhộn, nó có thể xua tan sự buồn tẻ của giờ học thay vào đó là tạo ra môi trường học tập vui vẻ làm tăng sự hứng thú của học sinh đối với việc học, khiến các em luôn sẵn sàng tham gia giờ học.

Sau đây là những trò chơi nhằm củng cố và tăng vốn từ cho học sinh:

Bingo:

Sử dụng trò chơi này nhằm tăng cường năng lực ghi nhớ và nghe hiểu cùa học sinh. Trò chơi này thích hợp để củng cố về các chủ đề như: Số đếm (Number), Bảng chữ cái (The Alphabet), từ chỉ  nghề nghiệp (Occupation), Màu sắc (colors), quả (Fruit), thú vật (animals), trang phục (clothes), nghề nghiệp (jobs)…

+ Giáo viên cho một số từ đã học.

+ Mỗi học sinh chọn 9, 16, hoặc 25 từ trong số các từ đó và viết vào vở.

+ Giáo viên đọc các từ không theo trật tự.

+ Học sinh đánh dấu P  vào từ đã chọn khi nghe giáo viên đọc từ đó.

+ Học  sinh nào đánh dấu được 3, 4, hoặc 5  ô vuông theo hàng ngang, hoặc trên  xuống , hoặc theo đường chéo thì nói “ Bingo” và  học sinh đó thắng cuộc.

+ Giáo viên phát thưởng cho học sinh đó.

Bus stop

+ Chia lớp thành các nhóm nhỏ, phát handouts cho các nhóm

+ Giáo viên đọc bảng chữ cái theo thứ tự, các nhóm lắng nghe, đến chữ cái mà các em có thể tìm từ được ở cả 3 chủ đề thì gọi “Bus stop”

+ Giáo viên ngừng lại khoảng 30 giây cho các nhóm tìm kết quả.

+ Nhóm nào tìm đủ và đúng từ cả ba chủ đề thì được ghi điểm.

Crossword: ( Trò chơi ô chữ)

Để kiểm tra vốn từ của các em tôi cũng thường xuyên cho các em chơi trò chơi ô chữ: thông qua  hình ảnh gợi ý, các em đoán các chữ cần tìm, nếu đội nào đoán được nhiều ô chữ đúng sẽ thắng cuộc.

Matching:

Đây cũng là một họat động rất phổ biến trong tiết dạy từ vựng, HS phải nối từ với nghĩa của nó và ngược lại, hoặc cũng có thể là nối cặp từ trái nghĩa, số ít với số nhiều… tùy theo nội dung hay chủ ý của GV.

  • Chia lớp làm nhiều nhóm nhỏ
  • Phát wordsheet cho các nhóm
  • Yêu cầu thực hiện theo nhóm
  • Các nhóm kiểm tra chéo kết quả bài làm của nhau
  • Thưởng cho nhóm đạt kết qủa  cao nhất

Slap the board

+ Giáo viên viết từ mới hoặc đính tranh lên bảng.

+ Gọi hai nhóm lên bảng, mỗi nhóm 6 học sinh

+ Yêu cầu các nhóm đứng cách nhau một khoảng bằng  nhau.

+ Giáo viên đọc to một từ Tiếng Anh

+ Lần lượt học sinh ở hai nhóm chạy lên bảng, vỗ vào tranh hoặc từ được gọi.

+ Học sinh thuộc nhóm nào làm đúng và nhanh hơn thì nhóm đó ghi điểm.

+ Nhóm nào ghi được nhiều điểm hơn thì thắng cuộc.

( Với trò chơi này, giáo viên có thể đọc số đếm, học sinh tìm số và tự đọc lại từ ứng với số đó)

Charades ( trò chơi đố chữ)

Trò chơi này giúp các em biết cách dùng cử chỉ để diễn tả nghĩa của từ.

Giáo viên  đặt phiếu từ úp mặt xuống thành từng chồng. Một học sinh nhặt phiếu trên cùng, dùng cử chỉ để diễn tả nghĩa của từ ấy, cả lớp đoán từ, viêt vào bảng con.

Hoạt động này phù hợp với từ chỉ nghề nghiệp, con vật, các từ chỉ hoạt động…

Ví dụ: Cho các tranh chỉ hoạt động, 1 HS miêu tả. Lớp viết bảng con.

Jumble words

  • GV viết một số từ có các chữ bị xáo trộn lên bảng.
  • Yêu cầu HS sắp xếp lại các chữ cái thành từ có nghĩa.

The Alphabet Game

+ Chia lớp làm ba đội.

+ Giáo viên nói 1 chữ cái. Học sinh tìm các  từ bắt đầu bằng chữ cái đó và ghi vào giấy.

+ Nhóm nào ghi được nhiều từ hơn thì được ghi điểm.

Ví dụ:

T: It starts with  D /di/

Ss: dog, doll, desk, donkey, durian…

T: It starts with  T /ti/

Ss: table, tiger, ten,….

T: It starts with  B /bi/

Ss: baby, boy, book, bag, bike, bed…..

What’s missing?

Ở trò chơi này tất cả học sinh đều tham gia độc lập và ghi phần trả lời ra bảng con của mình. Giáo viên  cho xuất hiện một số từ, sau đó cho biến mất 1 từ, HS phát hiệt ra từ biến mất và ghi bảng con. thời gian suy nghĩ cho mỗi từ là 20 giây, thí sinh đồng loạt giơ bảng con lên, GV lần lượt cho các từ khác xuất hiện và  biến mất, HS phát hiện và ghi bảng.

Pelmanism ( Trò chơi trúc xanh)

Thể lệ:

  • Chia lớp làm 2 đội.
  • Mỗi đội lần lượt cử 1 thành viên trong đội lật 2 thẻ. Nếu 2 thẻ khớp nhau thì thì được tính điểm (điểm 10). Nếu không khớp, lật úp thẻ lại như cũ và tiếp tục trò chơi cho đến khi tất cả các thẻ được lật. Nhóm nào được nhiều điểm hơn thì thắng.

Shark attack (Cá mập tấn công)

Chia lớp làm 2 đội.

Giáo viên gợi ý số chữ cái  của  từ cần đoán bằng các vạch, hoặc ô.

Yêu cầu HS trong mỗi nhóm đoán các chữ cái có trong từ.

Nếu đội nào đoán sai thì rớt xuống một bậc.

Đội nào rớt hết 4 bậc thì thua cuộc.

Kim’s game:

(Giáo viên có thể  dùng tranh ảnh với các chủ đề khác nhau để học sinh chơi.)

Thể lệ:

  • Chia lớp làm 3 đội chơi.
  • Quan sát lần lượt 6 bức tranh.
  • Các đội chơi nhớ và ghi lại tên các bức tranh đó bằng Tiếng Anh trong thời gian 1 phút. Ghi đúng mỗi bức tranh  đội chơi sẽ được 10 điểm.

A wonderful hat ( Chiếc nón kì diệu)

Giáo viên có thể dùng trò chơi này để ôn tập từ vựng ở nhiều chủ đề khác nhau:

  • Chia lớp làm 3 đội
  • Các đội lần lượt quay số.
  • Đọc cách giải thích nghĩa của từ và tìm các chữ cái có trong từ, đoán từ.

Game: Face to face ( Trò chơi đối mặt)

Trò chơi gồm 3 vòng chơi

Mời một số HS tham gia trò chơi.

Vòng 1: GV đưa ra chủ đề quen thuộc. Ex. Tell the names of pets.

Vòng 2: GV đưa ra chủ đề tiếp theo khó hơn chủ đề trước. Ex. Tell the names of  wild animals.

Vòng 3: GV nêu chủ đề khó. Ex.Tell the names of Retiles.

HS không trả lời được sẽ bị loại khỏi cuộc chơi qua 2 vòng đầu. Vòng cuối cùng còn lại 2 HS, em nào trả lời nhiều hơn thì thắng cuộc.

Pass the cards (Chuyền thẻ)

Trò chơi này  tạo điều kiện cho tất cả học sinh cùng được nói các từ đã học.

+ Chia lớp thành 3 đội,  cho học sinh xếp thành ba hàng.

+ Giao cho ba em đầu hàng một số thẻ từ.

+ Ba em này lần lượt đọc các từ  đó  và chuyền cho các bạn đứng ngay sau mình.

+ Mỗi học sinh nhận được từ điều phải đọc to từ đó lên.

+ Đội nào hoàn thành trước là đội chiến thắng.

A long sentence

          – Chia lớp thành nhóm 6

            – GV đọc một câu kết thúc bằng một từ trong danh mục từ vựng muốn lớp luyện.

          ( Ex. cat, rabbit, monkey, bird, dog, fish)

          T: I like rabbits.

S1: I like rabbits and birds.

S2: I like rabbits, birds and cats.

S3: I like rabbits, birds, cats and monkeys.

S4:…………………………………………

S5: …………………………………………

S6: …………………………………………

Freeze

Yêu cầu HS đứng tại chỗ.

GV hướng dẫn, Ex. Wave, run, jump. HS dùng điệu bộ diễn tả các hoạt động.

Khi GV đọc Freeze! HS phải ngừng và đứng yên ở tư thế đang miêu tả hoạt động.

HS ngừng chậm nhất phải bị loại và phải ngồi xuống.

Tiếp tục trò chơi đến khi một nhóm giành chiến thắng.

A spelling stair

+ Chia lớp làm hai nhóm

+ Các em tuần tự viết lên bảng các từ thành hình bậc thang, từ sau được bắt đầu bằng chữ cái cuối cùng của từ đứng trước.

+ Nhóm nào không tìm ra từ tiếp theo trước là nhóm thua cuộc. Nhóm kia giải đáp đúng từ sẽ được thưởng.

 A letter ladder

Giáo viên  viết lên bảng một từ ngắn. Các em sẽ phải viết một từ mới bắt đầu bắng chữ cái đầu tiên của một từ đã cho và dài hơn từ đã cho một chữ cái.

Ví dụ:

 he – her – here

* red –  read- ready

* hi – his- this

Where are the vowels?

GV viết từ mà nguyên âm bị bỏ trống.

Đại diện các nhóm viết lại các từ cho đúng lên bảng.

Ex.    F – s h       fish

 m – – t                  meat, meet

t – – c h – r   teacher

y – l l – w   yellow

The elephant makes friends. (Chú voi kết bạn)

          Em có muốn biết chú voi con gần đã làm quen bao nhiêu bạn không. Hãy tách 8 chữ  cái của từ  ELEPHANT ra, ghi từng chữ vào những ô trống dưới đây, đáp án sẽ hiện ra.

3. Ôn từ vựng qua bài hát

Giáo viên luôn phải giới thiệu và cho luyện tập từ vựng  trong một ngữ cảnh cụ thể để làm rõ nghĩa hơn và để những trải nghiệm trở nên đáng nhớ hơn. Các bài hội thoại, truyện ngắn, bài hát đều là những cách hữu hiệu nhằm ngữ cảnh hoá ngôn ngữ để chúng dễ hiểu và dễ nhớ hơn. Công cụ tốt nhất chúng ta có thể sử dụng trong lớp học là sự dí dỏm; do đó, hãy tìm kiếm những tài liệu có khả năng gây cười cho học sinh.

Trong lớp học tiếng Anh, từ vựng được ghi nhớ hiệu quả nhất qua các bài hát có nhiều đoạn lặp lại với nhịp điệu khoẻ và giai điệu dễ nhớ. Thực ra, giáo viên có thể tự sáng tạo ra một giai điệu đều đều cho hầu hết các cấu trúc hay chuỗi từ định dạy. Miễn là đảm bảo nhấn đúng trọng âm, thì việc hát những cụm từ ngắn, hay thậm chí cả những câu hỏi và câu trả lời đơn giản sẽ kích thích học sinh phát âm và lưu ngôn ngữ vào bộ nhớ.

4. Giúp “lưu” ngôn ngữ

Khi học sinh đã “luyện tập” một nhóm các từ hay một cấu trúc cụ thể, phải đảm bảo những gì có trong trí nhớ ngắn hạn chuyển hoá được sang trí nhớ dài hạn. Để làm được việc này, giáo viên cần tạo ra nhiều cơ hội tái sử dụng và ôn tập.

          Lập một ngân hàng những tấm các từ mới cũng là một ý kiến rất hay giúp học sinh  ôn tập những gì đã học. Chia lớp thành những nhóm nhỏ khoảng 4 hoặc 5 em. Cuối mỗi buổi học/ tuần học, yêu cầu học sinh viết lại tất cả những từ mới đã học lên bảng và yêu cầu các nhóm viết những từ này vào những tấm thẻ  rồi nộp lại. Mỗi giờ học giáo viên mang những tấm thẻ đến lớp để các thành viên trong nhóm có thể tự kiểm tra nhau hoặc kiểm tra chéo các bạn trong nhóm khác. Giáo viên  yêu cầu học sinh tự chia từ đã học vào những nhóm thích hợp, thậm chí xây dựng nên một câu chuyện bằng cách trao đổi những tấm thẻ và viết thêm những câu sử dụng từ được ghi trên mỗi tấm thẻ từ. Bằng cách khuyến khích học sinh nhớ lại những từ đã học trong những tiết trước và luôn tạo điều kiện để chúng liên tục tiếp xúc với những từ đó trong những bài học tiếp theo, giáo viên hoàn toàn có thể trị được căn bệnh “học trước quên sau” khi học từ mới.

5. Dạy học sinh phương pháp tự học

Học sinh mới là đối tượng cần phải học từ mới và giáo viên  không thể làm thay các em được. Bởi vậy, muốn trị tận gốc căn bệnh ‘học trước quên sau’, việc dạy học sinh phương pháp học là rất quan trọng. Ngay khi bắt đầu năm học hãy dành thời gian giúp học sinh hiểu rõ những khó khăn mà học sinh  sẽ gặp phải khi ghi nhớ thông tin mới và dạy các em  phương pháp học sao cho hiệu quả như:

        – Tìm những từ vựng  mà học sinh đang cố gắng ghi nhớ khi đọc hay nghe Tiếng Anh.

        – Viết những câu sử dụng những từ mới học nói về những gì gần gũi với bản thân.

        – Nhắc học sinh rằng việc ôn tập một cách đều đặn là cách tốt nhất để các em nâng cao vốn từ vựng mà không quên mất những gì đã học.

Tuy nhiên, không có phương pháp nào là tốt nhất trong số những phương pháp đã nêu vì mỗi phương pháp lại giúp học sinh học từ vựng theo một cách khác nhau. Khi học từ vựng, học sinh thường phải sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau mà có khi chính các em cũng không nhận thấy. Hiệu quả của việc tự học từ vựng phụ thuộc rất nhiều vào việc học sinh kết hợp những phương pháp học đơn lẻ như thế nào. Nhiệm vụ của giáo viên trong trường hợp này là tạo ra những hoạt động và nhiệm vụ học tập (trên lớp và về nhà) để giúp học sinh làm giàu vốn từ vựng và nắm vững những phương pháp tự học từ vựng. Nhờ đó học sinh sẽ có cơ hội trải nghiệm, đánh giá hiệu quả và sau đó quyết định chọn lựa phương pháp tự học hiệu quả nhất.

6. Dạy học sinh cách ghi chép bài:

Giúp học sinh sắp xếp những ghi chép trên lớp sao cho thật khoa học, hiệu quả và hữu ích.  Hướng dẫn những cách khác nhau để trình bày cuốn sổ từ vựng (như dùng biểu đồ, cây từ mới hay những vòng tròn.v.v…) và để học sinh  tự mình quyết định xem cách nào hiệu quả nhất với các em . Đừng quên chỉ ra cho học sinh ích lợi của việc ghi lại ví dụ minh hoạ.

7. Dạy học sinh cách liên tưởng

Ngôn ngữ liên hệ thường dễ nhớ hơn là ngôn ngữ không có kết nối gì. Đó là lý do tại sao phương pháp tốt nhất là dạy từ vựng theo chủ điểm hoặc theo chuỗi các từ vựng có chung gốc.

Lập ra các nhóm từ vựng theo chủ đề bằng cách vẽ sơ đồ tư duy:

+ Học sinh làm việc theo nhóm, tìm những thông tin về chủ điểm đã cho, sau đó so sánh với các nhóm.

+ Giáo viên tập hợp các thông tin phản hồi từ học sinh.

+ Thưởng cho nhóm liệt kê được đúng và nhiều từ thuộc chủ đề, và hoàn thành trước nhất.

Posted in Giáo viên cần biết, Phụ huynh cần biết

Tin mới hơn:

123

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
 
TOP